24/10/2022 | 238 |
0 Đánh giá

Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện tại sau dịch Covid, vai trò trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người lao động là nguồn động lực nâng cao chất lượng lao động để xã hội phát triển. Nếu lợi ích không được quan tâm và đáp ứng thì chất lượng lao động sẽ mất ổn định và dần đi xuống. 

 

Thực trạng mâu thuẫn lợi ích người lao động gặp phải hiện nay

Trong điều kiện kinh tế thị trường, khi sức lao động là hàng hóa được lưu thông trên thị trường, người mua và người bán hàng hóa đều có mục đích riêng của mình, người lao động muốn bán hàng hóa sức lao động do mình sở hữu với giá cao nhất, người sử dụng sức lao động lại muốn mua sức lao động với giá rẻ nhất nhằm tăng lợi nhuận thu được. Nếu tiền công đưa ra được cả hai bên chấp nhận thì quan hệ lao động hình thành và duy trì. Nhưng nếu một trong hai bên bội ước thì dẫn đến xâm hại lợi ích của nhau. Tuy nhiên, người sử dụng lao động lại có nhiều lợi thế hơn để ép người lao động phải chịu thiệt thòi về lợi ích, cụ thể là không đáp ứng đầy đủ các cam kết về lương, bảo hiểm, các điều kiện làm việc cho người lao động.

Các mâu thuẫn giữa người lao động và người sử dụng lao động được biểu hiện qua:

Thứ nhất, giới chủ trả lương quá thấp, bớt xén tiền công bằng việc không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động nhưng trốn đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thậm chí ở một số cơ sở còn nợ lương, trả lương chậm. Việc trả lương “bèo bọt” không đủ để đảm bảo cuộc sống hàng ngày, trong khi nhiều lao động làm ăn xa còn phải trả tiền thuê trọ, dẫn đến nhiều áp lực trong cuộc sống hàng ngày của người lao động sống bằng lương. Tình trạng nợ bảo hiểm y tế, nợ bảo hiểm xã hội còn phổ biến ở nhiều doanh nghiệp gây thiệt thòi về lợi ích cho người lao động. 

Thứ hai, điều kiện làm việc và sống quá khó khăn, căng thẳng, ô nhiễm môi trường, tai nạn lao động luôn rình rập, bữa ăn trưa và giữa ca của người công nhân quá nghèo nàn, không đủ để đảm bảo tái tạo sức lao động.

Thứ ba, trong điều kiện lương quá thấp, người lao động buộc phải làm thêm giờ, tăng ca, tăng kíp để tăng thu nhập nhưng chủ lao động lại trả tiền làm thêm giờ không tương xứng với mức độ sức lao động mà họ bỏ ra, nhiều công nhân phải làm đến 12 - 14 giờ/ngày mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống làm mâu thuẫn lợi ích càng sâu sắc thêm.

Thứ tư, các chủ doanh nghiệp tự định ra mức thưởng và phạt một cách tùy ý, không có cơ sở, căn cứ nào, chủ yếu tận dụng sức lao động của người lao động chứ không khuyến khích một cách tôn trọng, khách quan, công bằng đối với họ.

Các giải pháp để giải quyết, tránh xung đột mâu thuẫn 

Những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn hầu hết bắt nguồn từ việc giới chủ không đảm bảo quyền lợi của nhân viên, điều đó thường dẫn đến các cuộc đình công và gây thiệt hại về kinh tế. Để đảm bảo vấn đề lợi ích của người lao động, tránh xung đột dẫn đến đình công cần phải thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện Bộ luật Lao động của Việt Nam theo hướng hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động. Sở dĩ người sử dụng lao động trong thời gian qua chưa đảm bảo lợi ích cho người lao động vì hệ thống pháp luật của Việt Nam còn bất cập, chưa thực sự chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở, lạc hậu, chưa phù hợp với thực tế, chưa đủ sức điều chỉnh các quan hệ lao động vốn dĩ năng động và phức tạp, thậm chí có những điều khoản vô ý đã gây thiệt thòi về lợi ích cho người lao động. Ví dụ, chính sách tiền lương còn nhiều bất cập; tiền lương tối thiểu thấp; lương thực tế giảm mặc dù lương danh nghĩa tăng; các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe những doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định về pháp luật để công nhân bù đắp hao phí thể lực, có điều kiện nâng cao trình độ văn hóa, có thể đảm đương trách nhiệm nuôi dạy con cái, được sống đúng với giá trị sức lao động mà họ bỏ ra.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền cho người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động. Cùng với việc hoàn thiện pháp luật thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho các doanh nghiệp có sử dụng lao động làm thuê, đặc biệt cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần đa dạng về hình thức, phương pháp, phù hợp với từng đối tượng, huy động sự tham gia của nhiều chủ thể, đảm bảo cho pháp luật đến được với cả người sử dụng lao động và người lao động.

Thứ ba, xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Một doanh nghiệp có văn hóa trước hết phải là doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội, có trách nhiệm đối với người lao động và đối với môi trường sinh thái. 

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng mâu thuẫn lợi ích gay gắt trong các doanh nghiệp. Nếu các tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp thực hiện tốt vai trò của mình thì những mâu thuẫn lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ được hạn chế, ngăn chặn, hoặc sẽ được giải quyết bằng con đường thương lượng. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp.

Dịch vụ nhân sự và tính lương của GCW

Hiểu được những trở ngại mà các doanh nghiệp thường mắc phải khi thực hiện quản lý tiền lương, thủ tục hồ sơ pháp lý cho người lao động, giải quyết những vấn đề quản lý nhân sự. Chúng tôi đảm bảo dịch vụ cung cấp giúp bạn Tiết kiệm thời gian và chi phí - Đảm bảo tính chính xác - Bảo mật thông tin, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

---------------------------

CÔNG TY NHÂN SỰ GCW

Hotline: 0974117817

Email: info@gcw.vn

Website: gcw.vn

Facebook: facebook.com/gcwcompany


(*) Xem thêm

Bình luận